Ngoài thông tin sinh trắc học bắt buộc về khuôn mặt và vân tay, cơ quan công an sẽ thu nhận thêm thông tin về mống mắt với người dân khi đi làm thẻ căn cước. Theo ghi nhận của phóng viên, ngay trong ngày đầu tiên, việc triển khai quy trình này tại các địa điểm làm thủ tục cấp căn cước cho người dân được thực hiện nhanh chóng, đồng bộ và không có khó khăn, vướng mắc.
Một điểm mới của Luật Căn cước quy định là việc thu thập thông tin sinh học mống mắt khi công dân đến làm thủ tục cấp thẻ căn cước. Ảnh: TTXVN
Dữ liệu 2 bên mống mắt sẽ được thu thập sau khi công dân lấy dấu vân tay. Quy trình thực hiện đảm bảo các tiêu chuẩn về thiết bị, bảo mật dữ liệu, mã hóa và lưu trữ, khai thác sử dụng, cũng như đảm bảo các yếu tố về an toàn sức khỏe. Dữ liệu mống mắt giúp xác thực thông tin mỗi cá nhân với độ chính xác cao, đồng thời hỗ trợ trong trường hợp không thu nhận được vân tay của người dân.
"Việc này được thực hiện rất đơn giản, đến làm thủ tục nhanh gọn. Quy trình được thực hiện rất hợp lý và tôi thấy cũng rất an toàn để bảo vệ dữ liệu cá nhân", anh Vũ Hải Giang ở Đống Đa, Hà Nội cho biết.
Anh Trịnh Quang Thái ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Ngày đầu tiên làm thẻ căn cước cũng rất đơn giản, thuận tiện. Các cán bộ giải quyết rất nhanh. Việc tích hợp thêm các thông tin sinh trắc học như này cũng sẽ giúp người dân thuận tiện hơn khi giải quyết các thủ tục hành chính sau này".
Trong Luật Căn cước mới, trẻ dưới 14 tuổi là đối tượng được mở rộng làm căn cước theo quy định. Riêng với trẻ dưới 6 tuổi, việc làm thẻ căn cước có thể làm tại nhà qua Cổng dịch vụ công, không cần thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.
Trẻ em được người nhà đưa đi làm thẻ căn cước. Ảnh: CAHN
Cũng từ ngày hôm nay, thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói cũng sẽ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp. Người dân cũng có thể đề nghị tích hợp những thông tin thẻ bảo hiểm y tế, giấy pháp lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn và các loại giấy tờ khác khi làm thẻ căn cước.
Như vậy, việc thu thập sinh trắc học như mống mắt, giọng nói áp dụng với những ai đến làm thẻ căn cước mới. Với những ai sử dụng căn cước công dân gắn chip như hiện tại vẫn sử dụng bình thường, chỉ cập nhật những dữ liệu này khi bản thân có nhu cầu.
Còn nếu sinh trắc học mống mắt, vân tay, gen ADN, giọng nói được tích hợp trong Căn cước thì từ nay, giao diện bên ngoài Căn cước cũng có nhiều thay đổi. Việc thay đổi thông tin trên bề mặt thẻ nhằm phù hợp với quốc tế và tăng tính bảo mật thông tin cá nhân.
Giao diện mới của căn cước
- Căn cước công dân đổi thành Căn cước;
- "Số" đổi thành "số định danh cá nhân";
- "Họ và tên" thành "họ, chữ đệm và tên khai sinh";
- "Ngày sinh" thành "ngày, tháng, năm sinh";
- "Nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú";
- "Quê quán" thành "nơi đăng ký khai sinh";
- "Có giá trị đến" trên mặt trước sẽ chuyển sang mặt sau và đổi thành "Ngày, tháng, năm hết hạn";
- "Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội" thay bằng "Bộ Công an".
Mặt sau in mã QR thay vì ở mặt trước như hiện nay. Bỏ trường thông tin đặc điểm nhận dạng, dấu vân tay sẽ không in trên thẻ mới mà tích hợp trong thẻ căn cước.
Tính đến cuối năm 2023, Bộ Công an đã cấp hơn 87 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip. Khi thẻ gắn chip đã ổn định, Bộ Công an tiếp tục hướng đến mục tiêu xa hơn, thu thập nhiều hơn các trường thông tin cho thẻ căn cước, góp phần hạn chế phải cấp đổi nhiều lần.
Một thông tin quan trọng với người dân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đó là chính thức chỉ sử dụng duy nhất một tài khoản VNeID kể từ hôm nay. Tài khoản này cũng chính là số căn cước công dân của người dùng, giúp việc truy cập vào Cổng được dễ dàng hơn.
Chỉ sử dụng tài khoản VNeID khi truy cập Cổng dịch vụ Công
Từ 1/7, để truy cập cổng dịch vụ công thuận tiện, người dân cần đồng bộ liên kết tài khoản cũ điện thoại với tài khoản VNeID. Hướng dẫn này đã có trên cổng dịch vụ công quốc gia. Sau khi chuyển đổi hết sang sử dụng VNeID, lượng truy cập trên Cổng bằng VNeID dự kiến sẽ tăng mạnh. Điều này đặt ra yêu cầu chuẩn bị các phương án dự phòng cho hệ thống.
Theo ông Nguyễn Đình Lợi, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ: "Thách thức lớn nhất là năng lực của hệ thống nếu không sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương cũng như quá trình thực hiện dịch vụ công của người dân và doanh nghiệp".
Hiện có tới 53 triệu tài khoản VNeID đã được cấp cho người dùng, trong khi tài khoản điện thoại chỉ có 14 triệu. Do vậy, việc chuyển sang tài khoản VNeID vừa giúp người dân dễ dàng truy cập, vừa thuận tiện cho công tác quản lý vận hành hệ thống. Bộ Công an cũng sẽ sớm triển khai các giải pháp bảo mật an toàn hơn như sử dụng các giải pháp sinh trắc học hay mã hóa tài khoản VNeID.
Việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm giúp tiết kiệm thời gian, công sức, tăng hiệu quả cho người dân. Đồng thời, hạn chế tình trạng lừa đảo trực tuyến đang bùng phát. Bởi theo Công an TP Hà Nội khuyến cáo: Hiện có nhiều đối tượng lợi dụng việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Người dân cần nâng cao cảnh giác: Không cài đặt, truy cập các đường link lạ; Cơ quan chức năng không làm việc định danh, nâng cấp tài khoản qua điện thoại, mạng xã hội. Khi phát hiện thông tin nghi vấn hoặc bị lừa đảo cần gọi điện đến số điện thoại đường dây nóng của cơ quan công an TP. Hà Nội: 0692196242; 0692194053 để trình báo hoặc tới cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn.